Trong mắt các nhà đầu tư thuộc khu vực APEC, Việt Nam được xem là một trong những nơi hấp dẫn nhất, theo khảo sát của hãng kiểm toán danh tiếng PricewaterhouseCoopers.
Hãng Kiểm toán PricewaterhouseCoopers (PwC) vừa công bố báo cáo khảo sát về tình hình kinh tế nói chung của các nền kinh tế thành viên trước thềm Hội nghị APEC vào ngày 7 và 8/9 tại Nga.
Khi tìm hiểu về các điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất trong khối APEC, PcW đã phỏng vấn 376 CEO và chuyên gia đầu ngành tại 40 nền kinh tế khu vực. Kết quả cho thấy đối với các công ty đến từ những nền kinh tế đang phát triển nhanh, Việt Nam xếp thứ 9 trong số các địa điểm hấp dẫn nhất để rót vốn. Còn đối với các nền kinh tế đã phát triển, Việt Nam xếp hạng 11. Năm cái tên thu hút nhất đối với giới doanh nghiệp hiện nay là Trung Quốc, Mỹ, Australia, Hong Kong và Nga.
Khi nói về Việt Nam, ông Stuart Dean, CEO của công ty General Electrics Asean nhận xét: "Chúng tôi đã đặt một nhà máy tại Hải Phòng và đây là nhà máy sản xuất tuốc bin gió thứ hai của công ty trong khu vực. Nhà máy đã giúp chúng tôi bắt kịp với tốc độ tăng trưởng nhanh của ngành năng lượng tái tạo. Trong quá trình mở rộng ra phạm vi toàn cầu, nhà máy sản xuất linh kiện như thế này đã giúp công ty trở nên linh hoạt hơn trong việc duy trì chuỗi cung ứng".
Ngoài ra, một kết quả khảo sát khác cũng cho thấy trong số 21 nền kinh tế thuộc APEC, Việt Nam được dự báo có tốc độ tăng trưởng GDP nhanh thứ hai trong giai đoạn 2011 - 2021, ở mức trên 6%. Đứng đầu vẫn là Trung Quốc với dự báo tăng trưởng khoảng 8%. Hai quốc gia này có tốc độ mở rộng GDP cao hơn mức trung bình của các nền kinh tế đang phát triển APEC (6%) hay mức trung bình của nhóm các nước đã phát triển (trên 2%).
Khi được hỏi về khả năng tăng trưởng kinh doanh của khối APEC trong ngắn hạn, chỉ có 36% CEO được PwC khảo sát tỏ ra lạc quan. Tuy nhiên, triển vọng phát triển trong tương lai dài có vẻ tốt hơn, khi có hơn một nửa số CEO (54%) thể hiện mức độ tin tưởng cao hơn vào 3 đến 5 năm tới.
Theo khảo sát, giới doanh nghiệp APEC cho rằng rủi ro lớn nhất làm hạn chế sự tăng trưởng kinh doanh là giá dầu tăng vọt vượt quá 150 đô la Mỹ một thùng, suy thoái kinh tế Mỹ, sự khủng hoảng tại khu vực đồng euro, và sự tăng trưởng GDP chậm lại của Trung Quốc, xuống dưới 7,5%.
Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) là một tổ chức hợp tác kinh tế hàng đầu tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Thành lập năm 1989 bởi 12 nền kinh tế, APEC thúc đẩy tăng trưởng và phát triển thịnh vượng thông qua việc tạo điều kiện cho hợp tác kinh tế và mở rộng thương mại và đầu tư trên khắp khu vực. 21 nền kinh tế thành viên của APEC hiện nay chiếm 55% GDP toàn cầu. Hội nghị thượng đỉnh CEO APEC 2012 sẽ được tổ chức từ ngày 7 và 8/9 tại Vladivostok, Nga.
Việt Nam từng là chủ nhà APEC năm 2006 và gặt hái nhiều thành công trong kinh tế cũng như hợp tác thương mại quốc tế sau sự kiện này.